4 Trở ngại lớn nhất khi nghĩ đến làm hai việc cùng lúc
Với độ tuổi 7x và 8x, nếu không có đà ngay từ sau khi tốt nghiệp đại học, thời điểm này, thực sự quá khó để nghĩ đến việc kiếm thêm một việc làm khác.
Chào bạn, tuần trước mình đã nói với các bạn về những lợi ích của việc làm hai việc cùng lúc. Nhưng thú thực, với độ tuổi 7x và 8x, nếu không có đà ngay từ sau khi tốt nghiệp đại học, thời điểm này, thực sự quá khó để nghĩ đến việc kiếm thêm một việc làm khác.
Các khó khăn mà mình sẽ TỰ NGHĨ khi hạ quyết tâm tìm một công việc thứ hai sẽ là:
1.
Lo lắng mình không đủ giỏi
Thông thường, hướng thứ nhất khi người ta nghĩ đến việc làm thêm sẽ là tìm một công việc nào đó tương tự với công việc chính đang làm.
Ví dụ, các bạn làm tài chính full time tại một công ty nào đó, cuối tuần nhận làm báo cáo thuế hoặc kế toán cho những doanh nghiệp siêu nhỏ (quy mô từ 1-10 người).
Chắc cũng có lúc bạn cũng đã suy nghĩ về việc đó, nhưng khi nói chuyện với bạn bè, với những khó khăn khi phải đối đầu nằm ngoài vùng công việc thân thuộc của bạn, chắc bạn sẽ rụt lại ngay suy nghĩ kiếm thêm việc.
Rồi sợ là, có khi mình không đủ kỹ năng, kiến thức để giúp người ta, biết đâu không chu toàn lại khó xử cho cả hai.
Rồi một lo lắng mơ hồ về việc dở dang và có khi mất cả công việc chính.
Mình, đã có lúc, tuy làm việc 10 năm trong vị trí phó trưởng phòng quản lý đào tạo của trường đại học, nhưng những khi đi họp tuyển sinh và kiểm định, vẫn rất rụt rè. Nhiều khi không dám bắt chuyện với những người khác, ở các trường đại học khác.
Phần vì quy mô sinh viên mình quản lý quá nhỏ, thực tế các tình huống gặp phải không đa dạng và những gì mình làm, thật nhỏ bé.
Phần vì, sợ lỡ miệng về những tình huống nhạy cảm.
2.
Chắc không ai thuê mình đâu
Lo lắng thứ 2 sẽ thường trực trong đầu khi nghĩ về việc làm thêm là mình sẽ không kiếm được ai phù hợp với đặc thù thời gian công việc chính của mình và đủ thông cảm nếu mình có chậm deadline đâu.
Muốn nhờ người thân quen hỗ trợ thì lại ngại mất đi một mối quan hệ.
Ví dụ, một anh bạn mình trước cũng chọn nghỉ công việc đã làm từ khi ra trường, có chuyên môn khá sâu về một lĩnh vực hẹp, cũng băn khoăn về việc tìm một công việc khác, nhưng vì không hoặc chưa bao giờ nói về những công việc mình đã làm, những bộ kỹ năng mình đã có nên cứ loay hoay mãi.
Thường thì khi có một công việc ổn định, chúng ta sẽ ít biết thị trường lao động ngoài kia cần gì, nhu cầu tuyển dụng thế nào, cần kỹ năng gì nên cũng không biết “sản phẩm” mình đang có trong tay có phù hợp với mình không.
Mình có một đứa em rất giỏi về công nghệ, học nhanh, nhưng vì chưa bao giờ nghĩ đến việc làm thêm nên cũng không biết ở ngoài, có nhiều cách để bán các khóa học, hướng dẫn nên không biết cách tạo ra sản phẩm của riêng mình.
Thế giới đang thay đổi rất nhiều, đâu cứ nhất thiết phải làm thuê cho ai.
3.
Mình giờ có tuổi, học cái gì mới cũng khó
Đây là xu hướng thứ 2 khi tìm một việc làm thêm, học một kỹ năng mới.
Mình là thằng hay mày mò mọi thứ để cải thiện hiệu suất làm việc của bản thân. Đó là lý do vì sao mà trước đây, rất nhiều đồng nghệp ở cơ quan cũ cứ chẹp lưỡi khi nhìn vào khối lượng công việc mình đảm nhận.
Rồi cũng có một anh rất lớn tuổi, lần nào gặp nhau ở quán trà đá, câu đầu tiên là cho anh bắt tay thầy một cái; câu thứ hai là anh rất ngưỡng mộ cái ma trận mà thầy làm ra (cái thời khóa biểu màu mè mình hay làm bằng excel cho cả trường mỗi kỳ).
Thực ra, khi hiểu được luồng công việc và luôn tự đặt ra câu hỏi trong đầu làm thế nào để nhanh hơn, làm thế nào để kiểm soát được sai sót nhiều hơn khi khối lượng công việc càng tăng, luôn thúc mình phải tìm hiểu và áp dụng cùng lúc nhiều thứ hơn.
Nhưng cũng có lúc, mình biết khả năng áp dụng của những việc đó đạt đến giới hạn, lúc đó là lúc cần phải tìm tới một phương án khác. Lại phải học một cái mới (với ví dụ thời khóa biểu trên thì là hệ thống phần mềm thời khóa biểu mới, tối đa hóa được việc kiểm tra chéo khi mọi người cùng làm song song và đồng thời là học thêm google sheets, hoặc lại mua một khóa học về VBA của excel về cày).
Vậy nên, khi bắt đầu tính toán đến việc làm thêm, mình không ngại để học viết, học về marketing, học về thiết kế với canva. Vì việc học, với mình luôn nằm trong kế hoạch hàng năm.
Cái khó của việc tự học không phải do tuổi. Do bạn chưa có nhịp thôi.
Bạn có thể tham khảo cách lập kế hoạch hàng năm của mình ở đây.
4.
Mình không có thời gian, muốn dành thời gian cho con
Đây chắc là câu hỏi xẽ nhảy xổ vào xâu xé bất cứ ý tưởng làm thêm ngoài giờ nào xuất hiện trong đầu, đặc biệt là các bà mẹ.
Đúng là nhịp công việc từ 8h đến 5h ở công sở, về nhà sấp sấp ngửa ngửa với cơm nước, con cái, mở mắt ra cũng là 10h rồi. Lúc đó, nằm vật ra giường là cám dỗ không thể vượt qua được.
Cuối tuần, phải cho các con đi đâu đó, trải nghiệm chứ?
Vậy làm sao để vượt qua được những trở ngại này, tuần sau mình sẽ cùng bàn nhé.
Hẹn gặp bạn thứ 5 tuần sau.
Bye.
Thân
Thùy
P/s: à nếu bạn đã đọc đến đây, thì chắc cũng thích thú nhỉ. Mình mới lập một trang “ủng hộ” cho các dự án viết của mình ở đây (https://www.buymeacoffee.com/phungthuy21), nếu bạn muốn, bạn có thể Mời mình 1 cốc café bằng cách truy cập vào trang đó, vào phần support và mua cho mình một cốc café nhé. Hoặc nếu lười, thì đăng ký membership😊, hệ thống sẽ tự động mời mình thay bạn.
Cảm ơn bạn.